Bức xúc, hoài nghi bác sĩ vì phải lên bàn mổ nhiều lần

Đau tức hông lưng hai bên, anh T.H.V, 46 tuổi, ở Hà Nội vào viện khám, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Thanh Nhàn hôm 3/5. Bác sĩ khoa Ngoại Thận - Tiết niệu chẩn đoán anh bị sỏi niệu quản hai bên.

Ngày 9/5, bác sĩ Phạm Thanh Tùng trực tiếp thực hiện tán sỏi bên phải cho bệnh nhân V. Sau can thiệp, bệnh nhân được đặt ống JJ (vật tư y tế chuyên dụng dùng để đặt vào ống niệu quản bệnh nhân tiết niệu).

Sau 5 ngày tán sỏi bên phải bằng nội soi, ngày 14/5, anh V. tiếp tục được tán sỏi bên trái qua da. “Tuy nhiên, 3 ngày sau mổ, tình trạng chảy máu liên tục xảy ra, bác sĩ cho tôi tiêm cầm máu, sonde truyền rửa nhưng không hết. Lúc đó, tôi đau nhiều, sốt cao, có đề nghị bác sĩ Tùng cho đi chụp chiếu tìm nguyên nhân chảy máu, đau, sốt nhưng bác sĩ này không đồng ý”, anh V. chia sẻ với VietNamNet ngày 26/6.

“Bác sĩ nói việc chẩn đoán và điều trị là của thầy thuốc”, anh V. nhớ lại. Tuy nhiên, đến 8 ngày sau, tình trạng chảy máu, đau, sốt không đỡ, anh V. mới được chụp chiếu, phát hiện vỡ mạch máu. Lập tức, anh được đưa đi nút mạch thận trái cầm máu, tình trạng thuyên giảm, ổn định. Bệnh nhân được ra viện ngày 4/6, hẹn 3 tuần sau vào viện rút ống sonde JJ.

Tuy nhiên, quá trình điều trị và nỗi bức xúc của anh V. chưa kết thúc ở đây. Ngày 19/6, anh V. vào một khoa khác tại Bệnh viện Thanh Nhàn để rút ống JJ, sau đó lại sang khoa khác cắt hạch giao cảm điều trị mồ hôi tay. Điều đáng nói, thời điểm này, anh liên tục sốt cao lên gần 40 độ C, bác sĩ (không phải của khoa Ngoại Thận - Tiết niệu) phát hiện bệnh nhân sốt là do sót sỏi từ lần tán trước, sỏi rơi vào niệu quản gây viêm.

Ngày 25/6, bệnh nhân tiếp tục được đặt lại ống JJ, điều trị kháng sinh cắt sốt. "Bác sĩ nói tôi có thể ra viện vào ngày mai (28/6). Nhưng phải đợi sức khỏe ổn định, phục hồi, sau khoảng 3 tuần nữa tôi mới có thể mổ lại", anh V. nói.

Người đàn ông này chia sẻ bản thân tôn trọng quyền đưa ra chẩn đoán, điều trị của bác sĩ và biết ơn những người đã điều trị cho mình, nhưng điều khiến anh bức xúc là thái độ của thầy thuốc khi chứng kiến bệnh nhân đau đớn, sốt cao; cần tìm cách làm rõ nguyên nhân gây chảy máu nhưng bác sĩ phản đối đề nghị đó mà không giải thích cụ thể.

“Nếu phải can thiệp sau 20 ngày nữa, tôi sẽ phải lên bàn mổ tới 4 lần, trong khi bình thường chỉ 2 lần. Không chỉ tốn kém chi phí, thời gian mà còn đau đớn, ảnh hưởng sức khỏe, công việc…”, anh V. bức xúc.

Bác sĩ điều trị, lãnh đạo khoa xin lỗi bệnh nhân vì thái độ chưa đúng

Lãnh đạo Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết ngay khi tiếp nhận thông tin phản ánh của anh V. đã yêu cầu khoa Ngoại Thận - Tiết niệu rà soát, kiểm tra, báo cáo sự việc.

Bệnh viện Thanh Nhàn, nơi điều trị gây bức xúc cho bệnh nhân. Ảnh: Võ Thu

Ngày 27/6, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Duy Thịnh, Trưởng khoa Ngoại Thận - Tiết niệu (Bệnh viện Thanh Nhàn), cho biết sáng cùng ngày, ông đã trực tiếp lắng nghe chia sẻ của bệnh nhân V. (đang điều trị tại khoa khác).

“Chúng tôi khẳng định không có sai sót chuyên môn. Lỗi của bác sĩ điều trị là không giải thích cụ thể, rõ ràng khi bệnh nhân có biến chứng chảy máu, thời điểm chia sẻ không phù hợp, dẫn đến việc bệnh nhân hiểu nhầm”, bác sĩ Thịnh cho biết. Ông cũng cho hay bác sĩ được quyết định về việc chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh trong phạm vi hành nghề cho phép.

Vị bác sĩ cũng lý giải việc bệnh nhân V. chảy máu sau tán sỏi qua da. Theo đó, thận là cơ quan giàu mạch máu. Khi tán sỏi qua da, bác sĩ phải xuyên kim qua thận mới tiếp cận được sỏi, không thể tránh khỏi việc chảy máu trong vài ngày sau can thiệp, nhưng thông thường sẽ ngừng trong 2-3 ngày. Nếu chảy máu dài hơn, bác sĩ phải theo dõi, chụp chiếu.

“Những ngày đầu sau can thiệp, bệnh nhân chảy máu, bác sĩ chỉ định tiêm cầm máu. Mũi tiêm này gây buốt, đau”, bác sĩ Thịnh nói.

Giải thích về nguyên nhân sau khi tán sỏi thận trái 3 ngày bệnh nhân vẫn chảy máu nhưng bác sĩ chưa cho chụp chiếu tìm nguyên nhân ngay, Tiến sĩ Thịnh cho biết: "Do nước tiểu của bệnh nhân lúc đỏ, lúc trong, vì thế phải chờ đợi, theo dõi”.

Về hoài nghi của anh V. liên quan việc bác sĩ để sót sỏi sau khi tán lần đầu khiến sỏi rơi xuống niệu quản gây viêm, sốt, Tiến sĩ Thịnh cho hay ban đầu, bệnh nhân được chỉ định tán sỏi thận phải qua da. Tuy nhiên, khi trực tiếp tiếp cận sỏi, bác sĩ Tùng phát hiện có thể tán sỏi nội soi ngược dòng vừa giảm bớt chi phí, vừa nhẹ nhàng với bệnh nhân.

Bác sĩ phân tích khi tán sỏi theo cách này, có những hạt sỏi dưới áp lực của nước và laser sẽ bị vỡ, không đào thải được ra ngay mà vẫn nằm trên thận. Theo nguyên tắc, sau khi tán sỏi, thầy thuốc sẽ đặt ống sonde JJ, sau khi rút ống, đường nước thoát này có thể khiến sỏi rơi xuống niệu quản, gây tắc ứ, nhiễm khuẩn, dẫn đến tình trạng đau, sốt.

Trước tình huống này, bác sĩ phải đặt lại sonde, đẩy sỏi vào trong để bệnh nhân hết đau, sốt (như cách anh V. đang được làm). Sau khi điều trị hết sốt, bệnh nhân sẽ được đánh giá lại xem sỏi có tự đào thải được hay không, nếu không, có thể phải tán những viên sỏi còn sót này.

“Việc can thiệp này rất đơn giản. Đây là tình trạng rất dễ gặp sau các ca tán sỏi, bất kỳ thầy thuốc nào thực hiện cũng có thể gặp phải”, bác sĩ Thịnh nói.

Ông cũng khẳng định trước khi can thiệp, bệnh nhân đã được thông báo về các phương pháp này và có bản kết của bệnh nhân, người chứng kiến (nếu có), những biến chứng có thể xảy ra trước, trong và sau mổ. Tuy nhiên, việc trao đổi, giải thích cho bệnh nhân vẫn rất cần thiết.

“Trong cuộc giao ban ở khoa sáng nay, tôi đã nhắc nhở bác sĩ Tùng và thầy thuốc nói chung về việc trao đổi thông tin, giải thích với bệnh nhân rõ ràng dù đã có giấy cam kết, tránh những hiểu nhầm không đáng có”, Trưởng khoa Phạm Duy Thịnh cho biết.